Loading data. Please wait
Sau khi Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập ngày 04/3/1959, tiêu chuẩn hóa đã sớm được coi là một công cụ gắn kết khoa học – kỹ thuật với sản xuất, là tiền đề để thực hiện chuyên môn hóa, thống nhất hóa và cơ khí hóa nền sản xuất. Năm 1960, tại Hội nghị Cơ khí toàn miền Bắc lần thứ nhất, lần đầu tiên tiêu chuẩn hóa đã được đưa ra thảo luận như là một vấn đề cấp thiết. Điều đó đã được thể hiện trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tháng 9 năm 1960: …"Phải bắt đầu ngay việc nghiên cứu áp dụng những tiêu chuẩn, quy phạm và quy trình kỹ thuật của các nước vào điều kiện nước ta, tiến tới xây dựng cho ta một hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm và quy trình kỹ thuật thích hợp”. Yêu cầu này cũng đã được nhắc lại tại Hội nghị TƯ 3, Khóa III tháng 01/1961 và Hội nghị TƯ 7, Khóa III tháng 06/1962. Trong bài Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nông nghiệp để phát triển sản xuất năm 1962, Đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng đã viết: “Tiêu chuẩn kỹ thuật là tất yếu của cải tiến kỹ thuật và cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp”. Những hoạt động nêu trên minh chứng yêu cầu bức thiết là phải sớm thành lập cơ quan chuyên trách về tiêu chuẩn hóa.
Hình thành hệ thống tiêu chuẩn 4 cấp (từ 1962 đến 1975)
Ngày 04/04/1962, Viện Đo lường và Tiêu chuẩn được thành lập theo Nghị định số 43/CP của Hội đồng Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Viện lúc này là trực tiếp tổ chức việc xây dựng các tiêu chuẩn Nhà nước và hướng dẫn đưa hệ thống tiêu chuẩn Nhà nước vào áp dụng trong thực tiễn.
Ngày 24/8/1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 123-CP ban hành "Điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp". Ngày 30/12/1974, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 290-CP ban hành "Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ở xí nghiệp công nghiệp". Hai Nghị định trên đây là cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng tổ chức, phát triển hệ thống và tiến hành hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta trong thời kì đầu.
Từ TCVN đầu tiên (TCVN 1-63, Khuôn khổ và mẫu trình bày tiêu chuẩn) được ban hành vào giữa năm 1963, chỉ sau hơn 1 năm kể từ ngày thành lập Viện Đo lường và Tiêu chuẩn (tính đến cuối năm 1963), 137 TCVN đã được ban hành. Đó là những tiêu chuẩn đầu tiên của hệ thống tiêu chuẩn Nhà nước, bước khởi đầu cho sự phát triển ngày càng gia tăng về số lượng và đa dạng về đối tượng trong những năm tiếp sau. Từ việc biên soạn TCVN năm 1963, chúng ta đã có được những bài học, kinh nghiệm quý báu để tiếp tục triển khai hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, biên soạn những tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về tiêu chuẩn hóa.
Có hai phương pháp xây dựng tiêu chuẩn được áp dụng: Phương pháp chuyển dịch tiêu chuẩn nước ngoài (chủ yếu là tiêu chuẩn GOST của Liên Xô) có sửa đổi, điều chỉnh các thông số và yêu cầu kỹ thuật (thường là bỏ hoặc hạ thấp) cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta được áp dụng cho các đối tượng tiêu chuẩn hoá là những sản phẩm có tính thống nhất hoá cao như các sản phẩm cơ khí, luyện kim, điện… Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn trên cơ sở tổ chức nghiên cứu tình hình thực tế ở nước ta kết hợp với tham khảo tài liệu nước ngoài, từ đó xây dựng được các tiêu chuẩn phù hợp với đặc thù Việt Nam và có tính khả thi áp dụng đối với các sản phẩm đặc thù của nước ta mà không có tiêu chuẩn nước ngoài tương ứng hoặc có nhưng không thích hợp.
Điều lệ tạm thời về tiêu chuẩn hóa ban hành năm 1963 theo Nghị định số 123-CP quy định tiêu chuẩn được xây dựng theo 3 cấp: tiêu chuẩn nhà nước, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn xí nghiệp. Ngày 07/7/1973, Chính phủ ra Quyết định số 159/TTg về công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Trong Quyết định này, khái niệm Tiêu chuẩn địa phương được đưa vào thành một cấp tiêu chuẩn. Từ đó hình thành hệ thống tiêu chuẩn 4 cấp: TCVN (Tiêu chuẩn nhà nước), TCN (tiêu chuẩn ngành), TCV (tiêu chuẩn địa phương) và TC (tiêu chuẩn xí nghiệp).
Hình thức hiệu lực của tiêu chuẩn được quy định như sau: TCVN, TCN và TCV có hai hình thức hiệu lực là chính thức áp dụng và khuyến khích áp dụng, TC được ban hành để chính thức áp dụng. Điều này cũng có tác dụng nhất định trong việc đưa tiêu chuẩn vào áp dụng thời kỳ đầu của hoạt động tiêu chuẩn hoá trong điều kiện cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung của nước ta. Việc áp dụng tiêu chuẩn được đánh giá là tốt và khá tốt trong những lĩnh vực như: cơ khí; nguyên, nhiên, vật liệu; hoá chất; thực phẩm và dược phẩm.
Đa số các TCVN được ban hành để chính thức áp dụng. Chính vì vậy, việc phổ biến và hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn đã được coi là một hoạt động rất quan trọng, được triển khai dưới nhiều hình thức như: đăng trên công báo, sao gửi đến các cơ sở có liên quan, tổ chức hội nghị phổ biến ở nhiều cấp, cử cán bộ xuống các cơ sở để phổ biến và trực tiếp hướng dẫn áp dụng, tổ chức các đoàn kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn ở các cơ sở...
Tính đến cuối năm 1975, nước ta đã ban hành được 1.805 TCVN, hơn 1.000 TCN, hơn 200 TCV và khoảng gần 3.000 TC phục vụ kịp thời cho những nhu cầu sản xuất, quản lý và quốc phòng. Về cơ bản, các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật các cấp được xây dựng trong giai đoạn này có nội dung thích hợp, thể hiện được tính tiên tiến về kỹ thuật, tính khả thi và tính kinh tế ở mức độ nhất định. Đặc biệt, hệ thống TCVN đã bao quát được nhiều lĩnh vực của hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống, nhất là chú trọng đến những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nước ta. Các nhóm TCVN có tỷ trọng cao trong tổng số TCVN ban hành là: cơ khí; dược; nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp nhẹ và luyện kim.
Soát xét tiêu chuẩn là một nội dung hoạt động không thể thiếu được của công tác tiêu chuẩn hoá. Từ năm 1970, bên cạnh việc xây dựng TCVN mới chúng ta còn thực hiện soát xét các TCVN đã ban hành. Bắt đầu từ năm 1975, trong kế hoạch xây dựng TCVN hàng năm đều có phần kế hoạch soát xét.
Ngày 31/12/1970, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã ra Quyết định số 298/KHKT/QĐ tách Viện Đo lường và Tiêu chuẩn thành Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn.
Tháng 4/1972, Viện Tiêu chuẩn đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác tiêu chuẩn hoá và triển lãm thành tựu 10 năm hoạt động tiêu chuẩn hoá. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc nhở các Bộ, các ngành và các địa phương "Phải đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hoá như chúng ta đã và sẽ đẩy mạnh chiến tranh chống phá hoại".
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá cũng rất được chú ý. Chúng ta đã thiết lập và duy trì các mối quan hệ với các cơ quan tiêu chuẩn hoá của Liên Xô, CHDC Đức và các nước XHCN anh em khác nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước này về các mặt tư liệu, nghiệp vụ và kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng phát triển để đưa hoạt động này ở nước ta đi vào quỹ đạo chung của sự hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật trong khối các nước XHCN. Từ những năm giữa của thập niên 1960, chúng ta đã bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu những hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế trong khuôn khổ của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO). Từ năm 1973, Viện Tiêu chuẩn đã cử đại diện tham gia một số khoá họp của Ban Thường trực Tiêu chuẩn hoá của Hội đồng Tương trợ kinh tế để tiếp cận dần với những hoạt động của Ban này và chuẩn bị cho sự tham gia vào những năm sau này.
Giai đoạn 1962 - 1975 là chặng đường đầu với những kết quả bước đầu rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng lý luận-nghiệp vụ và đội ngũ cán bộ nòng cốt. Vị trí và vai trò của tiêu chuẩn hoá, của hệ thống tiêu chuẩn các cấp và của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia đã được khẳng định và ngày càng được nâng cao. Hoạt động tiêu chuẩn hoá đã có những đóng góp nhất định mang lại hiệu quả rõ rệt trong nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát triển hệ thống TCVN trên phạm vi cả nước và mở rộng hợp tác quốc tế (từ 1976 đến 1990)
Sự kiện thống nhất đất nước đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như của công tác tiêu chuẩn hoá. Vai trò của công tác tiêu chuẩn hoá một lần nữa được nhấn mạnh trong Nghị quyết và Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 (1976) và lần thứ 5 (1982) của Đảng Cộng sản Việt Nam, được định hướng phát triển nhằm phục vụ cho đường lối chung về xây dựng CNXH và đường lối xây dựng kinh tế XHCN trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta.
Ngày 13/10/1976, Viện Tiêu chuẩn đổi tên thành Cục Tiêu chuẩn với chức năng giúp Nhà nước quản lý thống nhất công tác tiêu chuẩn hoá trong phạm vi cả nước. Hội nghị tổng kết 15 năm công tác tiêu chuẩn hoá (1962-1977) đã được tổ chức vào tháng 6/1977 tại Hà Nội.
Ngày 24/8/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá theo Nghị định số 141-CP thay thế các điều lệ tạm thời đã được ban hành từ năm 1963. Theo Điều lệ này, đối tượng của tiêu chuẩn hoá đã được mở rộng hơn và tiêu chuẩn được quy định là văn bản pháp chế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc hoặc khuyến khích áp dụng. Hệ thống tiêu chuẩn vẫn gồm 4 cấp, tuy nhiên, Tiêu chuẩn nhà nước được đổi tên là Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn xí nghiệp được gọi là tiêu chuẩn cơ sở (TC). TCVN được xây dựng và ban hành để áp dụng cho các đối tượng tiêu chuẩn hoá có tầm quan trọng trong nền kinh tế quốc dân hoặc có liên quan tới nhiều ngành, tới an toàn lao động và tới sức khoẻ của nhân dân. Quy phạm, quy trình được quy định là một dạng của tiêu chuẩn. Theo Điều lệ, việc xây dựng tiêu chuẩn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và các cá nhân có liên quan.
Từ cuối năm 1979 cho đến năm 1990, phương thức cấp Dấu chất lượng Nhà nước đã được triển khai thực hiện ở nước ta. Hàng loạt các TCVN quy định danh mục chỉ tiêu chất lượng cho các sản phẩm và nhóm sản phẩm đã được ban hành làm cơ sở cho việc thực hiện phương thức này. Trong thời kỳ này, chất lượng sản phẩm đã trở thành một chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch nhà nước. Các xí nghiệp (quốc doanh) phải lập kế hoạch chất lượng cho sản phẩm được sản xuất ở xí nghiệp theo phẩm cấp chất lượng quy định trong TCVN hay TCN và tỷ lệ sản phẩm đạt phẩm cấp đo. Kế hoạch này được tập hợp theo Bộ, Tổng cục và là căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch chất lượng của xí nghiệp và của ngành. Hoạt động chứng nhận và cấp dấu chất lượng được bắt đầu từ năm 1981 với 2 cấp chất lượng: cấp cao tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế, cấp 1 tương ứng với TCVN. Sản phẩm mang dấu chất lượng cấp 1 và cấp cao, ngoài việc đem lại vinh dự và uy tín cho xí nghiệp còn được trợ gia¸ theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, việc chứng nhận và cấp dấu chất luong dã thúc đẩy các xí nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Ngày 20/5/1983, Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng đã được thành lập trực thuộc Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nhà nước trên cơ sở 05 phòng kỹ thuật. Trung tâm chịu trách nhiệm nghiên cứu phương hướng, chính sách, mục tiêu phát triển công tác tiêu chuẩn hoá ở Việt Nam; đề xuất kế hoạch xây dựng và áp dụng TCVN, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; tổ chức xây dựng TCVN và tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức và điều hành hoạt động của các Ban kỹ thuật, Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn và các hoạt động khác có liên quan.
Trong các năm 1984 - 1986, khoảng 1.500 TCVN đã được soát xét, đặc biệt là những TCVN đã được ban hành trước năm 1975, cho phù hợp với trình độ phát triển khoa học-kỹ thuật và yêu cầu quản lý kỹ thuật và quản lý sản xuất - kinh doanh của đất nước trong thời kỳ mới. Đây là đợt soát xét tiêu chuẩn quy mô đầu tiên được tiến hành trong khuôn khổ một chương trình có cơ sở lý luận và phương pháp thực hiện được văn bản hoá (chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước 60.01).
Trong thời kỳ này, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn được thực hiện trên cơ sở những nhiệm vụ trọng điểm của nền kinh tế quốc dân nêu trong các kế hoạch Nhà nước hàng năm và 5 năm, có chú trọng hơn đến những nhóm sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và lương thực, thực phẩm. Tỷ trọng TCVN của các nhóm sản phẩm hoá chất, mỏ, xây dựng, điện-điện tử đã tăng lên so với những năm trước đó. Trong việc biên soạn TCVN, ngoài hai phương pháp đã được áp dụng từ trước, còn có những phương pháp mới được nghiên cứu và đề xuất áp dụng như: Phương pháp bình tuyển (đối với các sản phẩm thông dụng và tương đối đơn giản), Phương pháp phân mức chất lượng (đối với những sản phẩm công nghiệp có trình độ chất lượng quá chênh lệch giữa các cơ sở sản xuất trong nước) và Phương pháp chấp nhận. Việc áp dụng linh hoạt các phương pháp nêu trên đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng của TCVN.
Hoạt động phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn cũng được chú trọng hơn và gắn bó chặt chẽ hơn với các hoạt động quản lý đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm - hàng hoá và các khâu của quản lý kinh tế. Nhiều tiêu chuẩn được đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất, trong ký kết hợp đồng gia công, mua bán, trong định giá hàng hoá, đặc biệt là những tiêu chuẩn về thực phẩm, đồ hộp, nông sản... Việc áp dụng tiêu chuẩn đã cho thấy rằng hệ thống TCVN còn thiếu đồng bộ, mất cân đối và các tiêu chuẩn cần phải được soát xét thường xuyên và định kỳ để đảm bảo sự phù hợp với thực tế.
Đến cuối năm 1990, hệ thống tiêu chuẩn hiện hành bao gồm trên 5.000 TCVN, hơn 1.000 TCN, hàng trăm TCV và hàng nghìn TC. Hệ thống tiêu chuẩn các cấp được ban hành đã có những đóng góp tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước trong điều kiện của cơ chế quản lý tập trung - kế hoạch hoá lúc đó. Trong hệ thống TCVN, có 75% TCVN là chính thức áp dụng và 25% là khuyến khích áp dụng.
Trong giai đoạn 1976 - 1990, hoạt động Tiêu chuẩn hoá ở nước ta được mở rộng ra phạm vi cả nước. Trong 10 năm từ 1976 đến 1986, tuy đã có những bước tiếp cận ban đầu với hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế song nhìn chung hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta vẫn chịu sự chi phối của cơ chế quản lý kế hoạch hoá - tập trung. Về cơ bản, những bài bản cũ vẫn được vận dụng tuy đã có những cải tiến và đổi mới nhất định. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, với việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hoá - tập trung sang cơ chế thị trường, những hoạt động nghiên cứu và phát triển mang tính cơ sở, nền tảng đã được thực hiện, đưa đến sự ra đời của Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá.
Đổi mới và tăng cường hội nhập (từ 1991 đến 2006)
Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 27/12/1990 là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đổi mới công tác tiêu chuẩn hoá ở nước ta. Pháp lệnh CLHH 1990 và Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đã khẳng định TCVN là văn bản kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến và tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hệ thống TCVN bao gồm TCVN bắt buộc áp dụng và TCVN tự nguyện áp dụng. Pháp lệnh còn nêu ra những quy định về chứng nhận phù hợp TCVN. Theo tinh thần của những quy định của Pháp lệnh, những cải tiến và đổi mới hoạt động tiêu chuẩn hoá đã được thực hiện, hướng hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói chung và hoạt động Tiêu chuẩn hoá nói riêng đi đúng quỹ đạo của cơ chế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý quản lý vĩ mô của Nhà nước và đảm bảo quyền tự chủ của các tổ chức, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ.
Hiệu lực của hệ thống TCVN đã có những thay đổi đáng kể. Trong tổng số trên 5.000 TCVN hiện hành, số lượng TCVN bắt buộc áp dụng chỉ chiếm dưới 5%, còn lại là TCVN tự nguyện áp dụng.
Việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài thành TCVN là bước đi thích hợp để tiến tới xoá bỏ các rào cản về kỹ thuật trong thương mại, làm cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ của nước ta tiếp cận với thị trường quốc tế. Đến tháng 11/2002, đã có 1.273 TCVN hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC, CODEX), tiêu chuẩn Châu Âu (EN) và các tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến (ASTM, JIS, BS, AS...). Tuy số lượng TCVN được ban hành trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tăng nhanh trong thời gian này song vẫn còn chiếm tỷ lệ chưa cao (24%) trong tổng số TCVN hiện hành. Các phương pháp chấp nhận khác nhau đã được nghiên cứu để đưa vào áp dụng trong thời gian tới song song với việc xuất bản TCVN song ngữ. Hoạt động xây dựng TCVN ngày càng theo sát các yêu cầu quản lý và yêu cầu nâng cao chất lượng của các sản phẩm - hàng hoá Việt Nam để thực hiện cạnh tranh thắng lợi với hàng ngoại nhập ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế và khu vực.
Trong Kế hoạch hành động Quốc gia về Tiêu chuẩn và Sự phù hợp theo chương trình của Tổ chức hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), chúng ta cam kết dành ưu tiên cho việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế thành TCVN. Đó là cơ sở cho việc thực hiện hài hoà và tiệm cận hệ thống TCVN của nước ta với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với những hướng dẫn của ASEAN và APEC về vấn đề này. Kết quả hoạt động xây dựng và ban hành TCVN trong vài năm gần đây đã minh chứng cho việc thực hiện nghiêm túc cam kết của nước ta. Trong tổng số TCVN được xây dựng và ban hành mới hàng năm, trên 80% là tương đương hoàn toàn với tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoai.
Chúng ta đã chú trọng đến việc xây dựng các TCVN cho các đối tượng tiêu chuẩn hoá mới như: đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường, mã số-mã vạch vật phẩm, tài chính và tiền tệ, công nghệ thông tin... TCVN còn là căn cứ kỹ thuật để tiến hành hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng... Từ năm 1996 đến nay, số lượng TCVN ban hành hàng năm có xu hướng tăng dần, trong đó có những TCVN được xây dựng trong thời hạn rất ngắn để đáp ứng các yêu cầu quản lý cấp bách đối với các đối tượng như: xăng không pha chì, mũ bảo vệ cho người đi mô tô, xe máy...
Trước đây, việc xây dựng TCVN được đưa vào kế hoạch KHKT hàng năm và giao cho các viện nghiên cứu, một số trường đại học và các xí nghiệp đầu đàn để tiến hành nghiên cứu biên soạn dự thảo tiêu chuẩn và được gọi là các cơ quan biên soạn. Từ năm 1993, theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO), chúng ta đã thực hiện xây dựng TCVN thông qua các Ban kỹ thuật. Tuy nhiên, mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền đề xuất dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam.
Việc sử dụng phương pháp mới này đã mang lại những kết quả rõ rệt: thời hạn xây dựng TCVN được rút ngắn, chất lượng TCVN được nâng cao, huy động được sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng TCVN với sự điều phối của các cán bộ nắm vững nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá của Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng.
Tiêu chuẩn hóa từ khi có Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (từ 2007 đến nay)
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực. Sự ra đời của Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo hướng thống nhất đầu mối quản lý, giản lược tiêu chuẩn, áp dụng linh hoạt các chế độ tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng. Hệ thống tiêu chuẩn theo quy định của Luật này chỉ còn 2 cấp thay vì 3 cấp như trước đây, đó là tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng cũng chỉ có 2 cấp bao gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Ngành (TCN) đã được ban hành theo Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999 và theo luật, pháp lệnh khác phải được xem xét, chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc gia hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 đã đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hóa thương mại, đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tính từ tiêu chuẩn đầu tiên năm 1963 đến nay đã công bố và chuyển đổi được trên 13.000 TCVN, trong đó có khoảng gần 11.000 TCVN còn hiệu lực, là cơ sở và chuẩn mực cho việc tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động quản lý. Hệ thống này thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý Nhà nước và yêu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ và quy định quốc tế. Hệ thống TCVN phát triển theo hướng tăng cường mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến. Hiện tại, mức độ hài hòa với tiêu chuẩn nước ngoài và quốc tế đạt mức trên 60 %.
Nhiều chương trình tiêu chuẩn hóa ở cấp Nhà nước, ngành và đặc biệt ở cấp cơ sở (doanh nghiệp) đã được tiến hành. Các chương trình TCH cấp nhà nước và ngành là các chương trình có mục tiêu nhằm phục vụ tốt những mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với hoạt động TCH… Các chương trình tiêu chuẩn hóa cơ sở đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn phụ vụ tốt cho các mục tiêu quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong các năm qua, hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ở nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quan lý kinh tế - xã hội của đất nước qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ nói chung đi vào nề nếp. Cùng với sự đổi mới của đất nước, hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng đã được đổi mới để phục vụ đắc lực cho việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất,...
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định...
Ngày 6/7/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về việc ban hành Quyết định Hệ thống ngành kinh tế...