Loading data. Please wait
1. ISO 50001 là gì?
ISO 50001 - Tiêu chuẩn quản lý năng lượng đã được thiết kế để có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức nào, không phụ thuộc vào qui mô của tổ chức. Tiêu chuẩn quản lý năng lượng có thể được áp dụng một cách riêng biệt hoặc có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác.
Tiêu chuẩn quản lý năng lượng không mô tả các tiêu chí hiệu quả cụ thể mà nó đặt ra yêu cầu để các tổ chức tham gia cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng một cách thường xuyên. Việc chứng nhận phù hợp với hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 của một tổ chức chứng nhận độc lập không phải là yêu cầu bắt buộc của tiêu chuẩn này. Việc có lấy chứng chỉ hay không là quyền quyết định của tổ chức (người) áp dụng tiêu chuẩn quản lý năng lượng, trừ khi việc đó là yêu cầu bắt buộc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Đối tượng áp dụng ISO 50001
Cũng như các tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO khác, ISO 50001 được thiết kế phù hợp để áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, không phụ thuộc quy mô hay hoạt động, nhà nước hay tư nhân, bất kể vị trí địa lý. ISO 50001 không cố định các mục tiêu cải tiến trong hiệu quả sử dụng năng lượng. Các mục tiêu được thiết lập tùy thuộc vào tổ chức sử dụng hay các quy định pháp luật liên quan. Điều này có nghĩa mọi tổ chức đều có thể áp dụng ISO 50001 để xây dựng các mục tiêu năng lượng phù hợp với loại hình cũng như năng lực của tổ chức.
3. Lợi ích của ISO 50001
Hỗ trợ các tổ chức nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng
Tạo môi trường trao đổi thông tin thuận tiện và minh bạch trong việc quản lý nguồn năng lượng
Thúc đẩy các thực hành tốt trong quản lý năng lượng và nhân rộng những hành động quản lý năng lượng tốt.
Hỗ trợ trong việc đánh giá và xếp hạng ưu tiên trong việc ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới
Đưa ra khung chương trình cho việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng thông qua chuỗi cung ứng
Đơn giản hóa các cải tiến trong hệ thống quản lý năng lượng phục vụ cho các dự án giảm thiểu khí thải nhà kính
Cho phép tích hợp với các hệ thống quản lý khác như hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn lao động.
4. Các bước triển khai ISO 50001
Tương tự như các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác của tổ chức ISO, ISO 50001 được xây dựng dựa theo chu trình PDCA (plan – do – check – act) với các bước lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và cải tiến. Điều này đảm bảo cho hệ thống quản lý năng lượng của tổ chức được liên tục cải tiến ngày một hoàn thiện hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tổ chức có thể tích hợp Hệ thống quản lý năng lượng vào các hệ thống quản lý sẵn có của mình. Các bước triển khai Hệ thống quản lý năng lượng được mô tả trong sơ đồ sau:
Bước 1: Xây dựng chính sách năng lượng:
Chính sách năng lượng là kim chỉ nam cho việc áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý năng lượng của tổ chức sao cho tổ chức có thể cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng của mình. Chính sách cần phản ánh sự cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc tuân thủ theo các yêu cầu của luật pháp và các yêu cầu khác được áp dụng, cam kết nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và không ngừng cải tiến. Đây là bước đầu tiên và là nền tảng để xây dựng và thực hiện Hệ thống quản lý năng lượng. Chính sách năng lượng phải được xem xét thường xuyên để đảm bảo hệ thống được thực hiện và đầy đủ.
Bước 2: Lập kế hoạch về quản lý năng lượng:
Đây là bước cơ bản trong việc xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng. Các công việc cần thực hiện trong giai đoạn này bao gồm:
Xác định các yêu cầu pháp luật và các yêu cầu khác về năng lượng mà tổ chức/doanh nghiệp phải tuân thủ, các yêu cầu này có thể bao gồm: các yêu cầu pháp luật của quốc tế, quốc gia; các yêu cầu pháp luật của khu vực/tỉnh/ngành; các yêu cầu pháp luật của chính quyền địa phương.
Xem xét việc sử dụng năng lượng nhằm xác định hiện trạng sử dụng năng lượng của tổ chức từ đó đánh giá và xác định những công đoạn tiêu thụ năng lượng đáng kể nhằm tìm ra những cơ hội cải tiến.
Dựa trên kết quả của việc xem xét sử dụng năng lượng để xác định chỉ thị về hiệu suất năng lượng và đường cong sử dụng năng lượng. Chỉ số hiệu suất năng lượng và đường cong sử dụng năng lượng sẽ là thước đo độ hiệu quả của việc cải tiến Hệ thống quản lý năng lượng.
Thiết lập mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình quản lý năng lượng. Mỗi chương trình cần mô tả cách thức để tổ chức đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu của mình, bao gồm cả thời gian, các nguồn lực cần thiết và người chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình này.
Bước 3. Thực hiện và điều hành
Đây là giai đoạn đưa Hệ thống quản lý năng lượng vào hoạt động. Những thông tin đầu ra của bước lập kế hoạch sẽ được sử dụng trong việc thực hiện và điều hành. Các công việc cần thực hiện gồm có:
Xác định nhu cầu đào tạo, tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức cho ban lãnh đạo cũng như người lao động.
Thiết lập và triển khai hệ thống thông tin nội bộ cũng như bên ngoài liên quan đến hệ thống quản lý năng lượng.
Xây dựng và kiểm soát hệ thống tài liệu, hồ sơ phục vụ cho việc kiểm soát hệ thống quản lý môi trường cũng như cung cấp thông tin đầu vào cho việc xem xét của lãnh đạo sau này.
Xác đinh và tiến hành kiểm soát đối với các hoạt động của tổ chức liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng đáng kể để đảm bảo các hoạt động này được tiến hành trong những điều kiện riêng biệt.
Các cơ hội để cải tiến hiệu suất sử dụng năng lượng cần được xem xét trong quá trình thiết kế hoặc mua hàng của tổ chức.
Bước 4: Kiểm tra:
Giai đoạn này nhằm đánh giá tính hiệu quả của hệ thống và cung cấp dữ liệu cho xem xét của lãnh đạo. Giai đoạn này gồm các công việc:
Giám sát, đo lường và phân tích các yếu tố của Hệ thống quản lý năng lượng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra, hiệu quả hoạt động của các quá trình so với các tiêu chí đã đặt ra.
Đánh giá sự tuân thủ đối với luật định hoặc các quy định khác mà tổ chức phải thực hiện.
Tiến hành định kỳ đánh giá nội bộ trong tổ chức để đảm bảo hệ thống phù hợp với các yêu cầu trong tiêu chuẩn ISO 50001.
Tiến hành xác định các đểm không phù hợp đã có hoặc có thể xảy ra, thực hiện sự khắc phục cần thiết, tiến hành các hành động khắc phục và hành động phòng ngừa.
Có quy trình kiểm soát hồ sơ
Bước 5: Xem xét của lãnh đạo:
Ban lãnh đạo của tổ chức cần định kỳ tiến hành xem xét dựa vào những dự liệu đo lường trong quá trình vận hành, kết quả đánh giá nội bộ, mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra từ đó đưa ra những thay đổi trong Hệ thống quản lý năng lượng để phù hợp với tình hình mới.