Loading data. Please wait
Theo Luật Đo lường, tất cả các thiết bị đo sử dụng trong quan trắc, kiểm soát môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường đều phải được kiểm soát về đo lường.
Thế nhưng thực tế, rất nhiều các phương tiện đo trong lĩnh vực này vẫn còn đang bỏ ngỏ không được kiểm soát về đo lường hoặc nếu có thì cũng chưa được thực hiện một cách chặt chẽ.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Đo lường trong lĩnh vực quan trắc và bảo vệ môi trường” được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức sáng nay (19/1).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng, Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cho biết, thời gian vừa qua, Tổng cục đã tổ chức thực hiện kiểm soát đo lường được một số chủng loại phương tiện đo sử dụng trong hoạt động quan trắc và bảo vệ môi trường như: phương tiện đo hàm lượng bụi tổng trong không khí, phương tiện đo nồng độ các khí SO2, CO2, CO, NOx, v.v. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, đo, thử nghiệm các phương tiện đo này đã đóng góp một phần không nhỏ vào công việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Tuy nhiên, số lượng phương tiện đo sử dụng trong hoạt động quan trắc môi trường rất đa dạng, nhiều chủng loại,..; các phép đo trong quan trắc môi trường chưa được quy định cụ thể; cơ chế, chính sách, công tác phối hợp, quản lý và tổ chức thực thi kiểm soát đo lường trong hoạt động quan trắc, bảo vệ môi trường còn hạn chế”, ông Vinh nêu thực trạng.
Theo đó, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, việc tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý và tổ chức kiểm soát tốt phương tiện đo và phép đo sử dụng trong hoạt động quan trắc và bảo vệ môi trường, đồng thời đề xuất, thiết lập những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của biện pháp quản lý mới trong giai đoạn hiện nay được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.
Theo Luật Đo lường, tất cả các thiết bị đo sử dụng trong quan trắc, kiểm soát môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường đều nằm trong Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thiết bị đo sử dụng trong quan trắc, kiểm soát môi trường chưa được kiểm soát về đo lường.
Đánh giá thực trạng quản lý về đo lường đối với lĩnh vực quan trắc và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, ông Trần Quý Giầu, Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường – Tổng cục TCĐLCL cho biết, hiện quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, danh mục phương tiện đo nhóm 2 sử dụng cho hoạt động quan trắc và bảo vệ môi trường mới chỉ có 6 chủng loại, gồm: Phương tiện đo hàm lượng bụi tổng trong không khí, Phương tiện đo nồng độ các khí SO2, CO2, CO, NOx, Phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới, Phương tiện đo pH, nồng độ ô xy hòa tan, độ dẫn điện, độ đục của nước, tổng chất rắn hòa tan trong nước, Phương tiện đo độ ồn, Phương tiện đo độ rung động.
“Đối với thiết bị quan trắc môi trường chưa quy định trong Danh mục nhóm 2 như: Phương tiện đo các thông số trong nước mặt và nước thải, Phương tiện đo nồng độ khí thải và không khí xung quanh, Phương tiện đo chấn động và ảnh hưởng sóng không khí v.v… vẫn chưa được quan tâm kiểm soát về đo lường”, ông Giầu chia sẻ.
Ông Giầu cũng cho biết, không chỉ còn nhiều phương tiện đo chưa được kiểm soát về đo lường mà các phương tiện đo sử dụng trong quan trắc môi trường thuộc Danh mục nhóm 2 và chất chuẩn sử dụng trong thiết bị phân tích quan trắc môi trường thời gian qua cũng chưa được kiểm soát tốt.
Viện dẫn những sự cố sự cố ảnh hưởng đến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng từ các hoạt động sản xuất như: Ô nhiễm biển do nhà máy Formosa, Ô nhiễm bụi do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Ô nhiễm sông do nhà máy VEDAN, và gần đây nhất là kênh dẫn nước từ sống Châu Giang phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Duy Tiên, Hà Nam nổi bọt trắng và được xác định ô nhiễm cấp độ 2…ông Giầu cho rằng, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra đo lường đối với thiết bị quan trắc môi trường chưa được thực hiện sâu sát.
“Thực trạng trên đã dẫn tới một số thiết bị quan trắc môi trường chưa bảm đảm chính xác theo quy định, kém độ tin cậy gây sai lệch kết quả đánh giá, kiểm soát, không ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng”, Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường cảnh báo.
Đề xuất một số nội dung về quản lý đo lường, Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường Trần Quý Giầu cho rằng, để hiện thực hóa công tác quản lý thiết bị sử dụng trong hoạt động quan trắc môi trường, cơ quan quản lý cần đưa vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 để kiểm soát về đo lường đối với các thiết bị quan trắc môi trường như: Phương tiện đo lưu lượng, vận tốc gió, lưu lượng nước thải kênh hở, Baromet, độ ẩm không khí, nồng độ khí thải, không khí xung quanh, các thông số trong nước mặt, nước thải, thủy bình, quang phổ hấp thụ nguyên tử,v.v…
Bên cạnh đó, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, xây dựng các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường và thực hiện quy định về phép đo đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đo lường đối với thiết bị quan trắc môi trường.
“Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện dự thảo cuối để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Thông tư này sẽ bổ sung các phương tiện đo sử dụng trong lĩnh vực quan trắc môi trường vào quản lý và đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường”, ông Giầu thông tin.
(Nguồn:vietq)
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM hiện triển khai nhiều dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện...
Có sự khác biệt giữa khái niệm kiểm định và hiệu chuẩn
Nhiệt độ trái đất tăng đang gây lên sự xáo trộn và chúng ta cần phải có những hành động ứng phó phù hợp ngay bây giờ....
Năm 2025, mục tiêu của đề án là công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa...
Bộ Công Thương vừa ra Chỉ thị 06/CT-BCT về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu...
Ngày 15/6/2018 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 6...