Loading data. Please wait

Tin tức / Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn là gì

1. Định nghĩa

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

2. Nội dung

Quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý

3. Đối tượng

Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường, các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội.

4. Hệ thống tiêu chuẩn tại Việt Nam

+ Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN

+ Tiêu chuẩn cơ sở: TCCS

5. Xây dựng và công bố

+ TCVN: Các Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức xây dựng dự thảo TCVN cho lĩnh vực thuộc ngành mình phụ trách được phân công quản lý, trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm xét để công bố áp dụng.

+TCCS: Các tổ chức sản xuất, kinh doanh tổ chức xây dựng, công bố để áp dụng trong phạm vi tổ chức mình.

6. Hiệu lực tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn được xây dựng, công bố để tự nguyện áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

7. Một số khái niệm cơ bản

7.1. Tiêu chuẩn quốc gia là tiêu chuẩn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố theo trình tự, thủ tục quy định. 

7.2. Lĩnh vực tiêu chuẩn quốc gia là một nhóm các đối tượng tiêu chuẩn quốc gia có liên quan với nhau (ví dụ như: lĩnh vực giao thông, lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực hoá chất, lĩnh vực thực phẩm, lĩnh vực may mặc, lĩnh vực luyện kim, v.v...). Lĩnh vực tiêu chuẩn quốc gia được xác định theo khung phân loại tiêu chuẩn quốc tế  của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá (ISO).   

7.3. Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài thành tiêu chuẩn quốc gia là việc công bố một tiêu chuẩn quốc gia có nội dung hoàn toàn tương đương hoặc tương đương có sửa đổi với nội dung của tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương ứng. 

7.4. Tiêu chuẩn quốc tế là tiêu chuẩn do một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố. 

7.5. Tiêu chuẩn khu vực là tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn khu vực hoặc tổ chức khu vực có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố. 

7.6. Tiêu chuẩn nước ngoài là tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn quốc gia của nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn (hiệp hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu,...) công bố. 

7.7. Tiêu chuẩn cơ sở là tiêu chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác công bố để áp dụng trong các hoạt động của tổ chức đó. 

7.8. Áp dụng tiêu chuẩn là sử dụng tiêu chuẩn trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và trong các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

8. Thông tin chung về TCVN

TCVN bao gồm tiêu chuẩn cơ bản, tiêu chuẩn thuật ngữ, tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn phương pháp thử và lấy mẫu, tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản; thuộc các lĩnh vực như cơ khí, luyện kim, giao thông vận tải, xây dựng, hóa chất, dầu khí, khoáng sản, nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, môi trường, an toàn, điện, điện tử, công nghệ thông tin...

Tính đến hết tháng 12/2017, có hơn 10.000 Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) đã được Bộ KHCN công bố, sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Hiện tại mức độ hài hòa của hệ thống TCVN đối với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 45%, mục tiêu đến năm 2020 là 60% nhằm đảm bảo cho vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đóng góp vào mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Hệ thống TCVN thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi trên cơ sở soát xét các TCVN hiện hành và xây dựng mới TCVN nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ của quốc tế.

Quá trình xây dựng TCVN được đảm bảo theo nguyên tắc đồng thuận, phù hợp với nguyên tắc của hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế cũng như quy định của Hiệp định WTO, TBT. Với 120 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (TCVN/TC) và 56 Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (TCVN/TC/SC), Tổng cục TCĐLCL đã tập hợp hơn 1.000 nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống TCVN.

Việc tham gia trong 81 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế (19 Ban kỹ thuật với tư cách thành viên chính thức trong ISO và IEC; 62 Ban kỹ thuật với tư cách thành viên quan sát trong ISO) là cơ sở nền tảng cho việc hơn 3.000 tiêu chuẩn quốc tế của ISO, IEC, CODEX... được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).

Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức, Tổng cục TCĐLCL dự thảo Kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm trình Lãnh đạo Bộ KHCN ban hành nhằm triển khai xây dựng các TCVN cụ thể cho các lĩnh vực. 

Xem thêm:

Ký hiệu Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)


...

Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) là gì

Tiêu chuẩn được cơ quan tiêu chuẩn quốc gia chấp nhận và có tính phổ biến rộng rãi

...

Thủ tướng giao các Bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia...

...

Tiêu chuẩn và luật pháp

Bất cứ ai cũng có thể sử dụng Tiêu chuẩn quốc gia và việc sử dụng chúng là tự nguyện. Tiêu chuẩn chỉ trở thành bắt buộc...

Ấn phẩm