Loading data. Please wait

Tin tức / Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn Châu Âu EuroCodes - Hệ thống tiêu chuẩn hài hòa trong giai đoạn hội nhập

 

1. Từ những năm 2001 – 2003, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Xây dựng, trên cơ sở kết quả đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đến năm 2010 theo hướng đổi mới, hội nhập” Thứ trưởng GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, chủ nhiệm chương trình, Bộ Xây dựng đã hình thành định hướng cho hệ thống Quy chuẩn và Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Theo đó, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam bao gồm nghiên cứu và áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu trong lĩnh vực kết cấu, nền móng và vật liệu xây dựng.  

2. Hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam trước đây được hình thành qua nhiều năm, chủ yếu dựa trên sự chuyển dịch từ các tiêu chuẩn của Liên Xô, Anh Quốc, Hoa Kỳ, ISO, Trung Quốc… Sự hình thành các tiêu chuẩn xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi qua các thời kỳ mà chưa có sự đồng bộ và hệ thống ngay từ đầu. Trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Xây dựng và cũng là đòi hỏi của quá trình hội nhập là dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, soát xét và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn xây dựng đồng bộ, hiện đại, hài hoà và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập của ngành Xây dựng với các nước trong khu vực và thế giới. 

3. Trong hơn mười năm qua đã diễn ra một số sự kiện và những nội dung cam kết quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập:  

  • Khu vực mậu dịch tự do ASEAN AFTA – Free Trade Area đề ra các chương trình, trong đó có việc dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật. Theo đó, tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên ASEAN Việt Nam là thành viên từ 28/7/1995 phải hài hoà trên cơ sở so sánh và chấp thuận các tiêu chuẩn quốc tế ở 3 mức khác nhau: đồng nhất, tương đương và không tương đương. 
  • Ngày 26/01/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 06/1999/QĐ-TTg phê duyệt Nghị định thư để thực hiện cam kết đợt đầu trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác dịch vụ ASEAN. Theo đó, nước ta cam kết thực hiện xoá bỏ rào cản như giấy phép xây dựng, chứng nhận, đồng thời tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hoà. để thực hiện AFTA, ngoài việc phá bỏ hàng rào thuế quan, trong đó có tiêu chuẩn kỹ thuật. 
  • Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN vào tháng 11/1992 ở Manila đã thành lập Uỷ ban tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng của ASEAN ACCSQ – ASEAN Consultative Committee on Standards and Quality. Hiện nay ACCQS có 4 nhóm công tác Working Group từ tháng 3/1998: 1 Nhóm WG1 – nhóm xây dựng các Hiệp định thừa nhận lẫn nhau MRA; 2 Nhóm WG2 – nhóm quản lý và công nhận, theo đó các nước tham gia vào các Hiệp định thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức khu vực và quốc tế, hợp lý hoá các văn bản pháp quy, quy định kỹ thuật, nguyên tắc thủ tục các nước thành viên liên quan đến 20 nhóm sản phẩm ưu tiên hoà nhập tiêu chuẩn; 3 Nhóm WG3 – nhóm tiêu chuẩn và sự đánh giá phù hợp, xem xét việc hài hoà các tiêu chuẩn, cộng tác trong hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế, chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm và chứng nhận hệ thống chất lượng; 4 Nhóm WG4 – nhóm thông tin tiêu chuẩn và sự phù hợp, cùng thống nhất xuất bản tập chí Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN. 
  • Tổ chức Thương mại thế giới WTO thành lập 1995 và cho đến nay đã có 150 nước thành viên. WTO có 3 công cụ pháp lý: 1 Hiệp định chung về thuế quan GATT – General Agreement on Tariffs and Trade cho mua bán hàng hoá; 2 Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS -General Agreement on Trade in Services cho mua bán dịch vụ; 3 Hiệp định các vấn đề sở hữu trí tuệ có liên quan đến thương mại TRIPS – Agreement on Trade – Related Aspects of Intellectual Property Right. Gia nhập WTO, Việt Nam phải dỡ bỏ các rào cản barries gồm rào cản thuế quan, rào cản kỹ thuật tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản về thể chế kinh doanh. Trong Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại TBT – Agreement on Technical Barries to Trade của WTO còn có “Quy trình biên soạn, chấp thuận và áp dụng tiêu chuẩn” được áp dụng cho tất cả các nước thành viên. Thông điệp mà WTO gửi đến tất cả các nước thành viên là “Thương mại toàn cầu cần tới những tiêu chuẩn toàn cầu” Thông điệp của ISO, IEC, ITU và WTO gửi các nước thành viên nhân ngày Tiêu chuẩn quốc tế 14/10/1997. 

4. Tiêu chuẩn châu Âu Eurocodes một bộ tiêu chuẩn về kết cấu công trình Structural Eurocodes do Tiểu ban kỹ thuật CEN/TC250 soạn thảo và được Uỷ ban châu Âu về tiêu chuẩn hoá Comité Européen de Normalisation – CEN ban hành để áp dụng chung cho các nước thuộc Liên minh châu Âu EU. Từ năm 1975, Uỷ ban cộng đồng châu Âu The European Community đã quyết định một chương trình hành động trong lĩnh vực xây dựng, trong đó đối tượng của chương trình là loại trừ những rào cản kỹ thuật trong thương mại và tiến tới hài hoà các quy định kỹ thuật. Trong khuôn khổ của chương trình, một loại các quy tắc kỹ thuật hài hoà trong thiết kế xây dựng đã được hình thành để thay thế cho các quy tắc trong tiêu chuẩn quốc gia các nước thành viên. Sau 25 năm, các phiên bản đầu tiên tiêu chuẩn châu Âu Eurocodes ra đời và được công bố chính thức. Theo lộ trình đã được quyết định, đến năm 2010 toàn bộ các nước trong Liên minh châu Âu sẽ áp dụng thống nhất tiêu chuẩn Eurocode trong lĩnh vực thiết kế xây dựng Anh Quốc áp dụng từ 2007, thay thế toàn bộ tiêu chuẩn mang mã hiệu BS bằng tiêu chuẩn Eurocode mang mã hiệu BS EN; Pháp thay thế tiêu chuẩn NF bằng NF EN. 

5. Hệ thống tiêu chuẩn Eurocodes được áp dụng sẽ mang lại những ưu thế sau đây: 1 Đưa ra những tiêu chí và phương pháp thiết kế chung nhằm đáp ứng các yêu cầu về độ bền, ổn định, khả năng chịu lửa và tuổi thọ công trình; 2 Đưa ra cách hiểu thống nhất về thiết kế giữa chủ đầu tư, người thiết kế, nhà thầu, nhà quản lý… 3 Tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dịch vụ xây dựng giữa các quốc gia, thương mại các sản phẩm xây dựng; 4 Là cơ sở thống nhất cho việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp xây dựng; 5 Cho phép tạo ra những công cụ hỗ trợ thiết kế và phần mềm thiết kế chung; 6 tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ hức, cá nhân trong và ngoài nước trong hoạt động xây dựng. 

6. Cho đến nay, tất cả các nước trong Liên minh châu Âu EU đã thống nhất áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Eurocodes. Đó là các nước Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, đức, Estonia, Litva, Luxembua, Na Uy, Malta, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, Italia, Pháp, Phần lan, Síp, Slovakia, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ. Quá trình chuyển dịch và áp dụng ở các nước được thống nhất vào năm 2010. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nước nào hoàn thành chuyển dịch toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn Eurocode, thậm chí cả Anh Quốc và Pháp. Tại Anh Quốc, theo “Chiến lược quốc gia áp dụng Eurocodes” của Văn phòng Phó Thủ tướng Anh, việc nghiên cứu các Phụ lục Quốc gia và chuẩn bị cho việc áp dụng tiêu chuẩn Eurocodes cũng phải mất hơn 15 năm với kinh phí ước tính lên tới hơn 10 triệu bảng Anh khoảng 300 tỷ đồng Việt Nam.  

Nhiều nước khác trên thế giới cũng đặc biệt quan tâm đến các tiêu chuẩn châu Âu Eurocodes như Nga, Ucraina, Bungari, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Việt Nam, các nước trong vùng Caribee,…. Trong tháng 11/2006, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị quốc tế về việc áp dụng Eurocodes ở Singapore, trong đó đã thảo luận nhiều về Eurocode 7 Thiết kế địa kỹ thuật. 

7. Hệ thống tiêu chuẩn châu Âu về kết cấu công trình xây dựng bao gồm các tiêu chuẩn chính và các tiêu chuẩn khác được tham chiếu trong các tiêu chuẩn chính. Các tiêu chuẩn chính bao gồm:  

EN 1990 Eurocode 0: Những cơ sở thiết kế kết cấu  

EN 1991 Eurocode 1: Tác động lên kết cấu 

EN 1992 Eurocode 2: Thiết kế kết cấu bê tông  

EN 1993 Eurocode 3: Thiết kế kết cấu thép  

EN 1994 Eurocode 4: Thiết kế kết cấu hỗn hợp thép và bê tông 

EN 1995 Eurocode 5: Thiết kế kết cấu gỗ  

EN 1996 Eurocode 6: Thiết kế kết cấu khối xây  

EN 1997 Eurocode 7: Thiết kế địa kỹ thuật  

EN 1998 Eurocode 8: Thiết kế kết cấu chịu động đất  

EN 1999 Eurocode 9: Thiết kế kết cấu nhôm  

Đặc điểm chung của hệ thống các tiêu chuẩn nói trên là: 1 Mỗi tiêu chuẩn chia thành một số phần, trong đó phần chung nói về các quy định chung, các phần riêng nói về các chuyên đề cụ thể với tổng cộng 58 phần trong các tiêu chuẩn Eurocodes; 2 Nguyên tắc biên soạn tiêu chuẩn là chỉ nêu những yêu cầu, không quy định cứng nhắc và quá chi tiết như các tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay, tạo điều kiện cho người sử dụng có thể tiếp cận theo nhiều phương pháp khác nhau; 3 Phụ lục Quốc gia bao gồm các thông số theo yêu cầu của tiêu chuẩn sẽ do mỗi quốc gia nghiên cứu và lựa chọn.  

Tiêu chuẩn EN 1990 Những cơ sở thiết kế kết cấu đưa ra nguyên tắc độ tin cậy, các trường hợp tổ hợp tải trọng và hệ số tổ hợp đối với kết cấu nhà và công trình.  

Tiêu chuẩn EN 1991 Tác động lên kết cấu bao gồm các phần EN 1991-1-1 Tải trọng bản thân, hoạt tải, EN 1991-1- 2 Tác động lên kết cấu tiếp xúc với lửa, EN 1991-1-3 Tải trọng tuyến, EN 1991 – 1- 4 Tải trọng gió, EN 1991-1-5 Tác động của nhiệt, EN 1991-1-6 Tác động trong quá trình thi công, EN 1991-1-7 Tác động do va đập và nổ, EN 1991-2 Tải trọng lưu thông trên cầu, EN 1991-3 Tác động của cầu trục và máy móc và EN 1991-4 Tác động lên silô và bồn bể.  

Tiêu chuẩn EN 1992 Thiết kế kết cấu bê tông cốt thép bao gồm các phần EN 1992-1-1 Nguyên tắc chung, EN 1992-1-2 Thiết kế kết cấu chịu lửa, EN 1992-2 Cầu bê tông cốt thép, EN 1992-3 Kết cấu tường chắn và bể chứa chất lỏng.  

Tiêu chuẩn EN 1993 Thiết kế kết cấu thép bao gồm các phần EN 1993-1-1 Nguyên tắc chung, EN 1993-1-2 Kết cấu chịu lửa, EN 1993-1-3 Cấu kiện thép tạo hình nguội, EN 1993-1-4 Thép không gỉ, EN 1993-1-5 Cấu kiện tấm, EN 1993-1-6 Độ bền và ổn định của kết cấu vỏ, EN 1993-1-7 Độ bền và ổn định của kết cấu từ thép tấm chịu tải trọng ngang, EN 1993-1-8 Thiết kế mối nối, EN 1993-1-9 Độ bền mỏi của kết cấu thép, EN 1993-1-10 Lựa chọn vật liệu có tính bền dai, EN 1993-1-11 Thiết kế kết cấu với bộ phận chịu kéo bằng thép, EN 1993-1-12 Các nguyên tắc bổ sung cho phép cường độ cao, EN 1993-2 Cầu thép, EN 1993-3 Tháp, trụ, ống khói, EN 1993-4 Silô, bể chứa và đường ống, EN 1993-4 Ống thép, EN 1993-6 Kết cấu đỡ cầu trục.  

Tiêu chuẩn EN 1994 Thiết kế kết cấu hỗn hợp thép – bê tông bao gồm các phần EN 1994-1-1 Nguyên tắc chung, EN 1994-1-2 Kết cấu chịu lửa, EN 1994-2 Cầu.  

Tiêu chuẩn EN 1995 Thiết kế kết cấu gỗ bao gồm các phần EN 1995-1-1 Nguyên tắc chung, EN 1995-1-2 Kết cấu chịu lửa, EN 1995-2 Một số nội dung bổ sung cho EN 1995-1-1.  

Tiêu chuẩn EN 1996-1-1 Thiết kế kết cấu gạch đá bao gồm các phần EN 1996-1-1 Nguyên tắc chung, EN 1996-1-2 Kết cấu chịu lửa, EN 1996-2 Những vấn đề thiết kế, lựa chọn vật liệu và thi công khối xây, EN 1996-3 Phương pháp tính toán đơn giản cho khối xây không cốt thép.  

Tiêu chuẩn EN 1997 Thiết kế địa kỹ thuật bao gồm các phần EN 1997-1 Thiết kế địa kỹ thuật, EN 1997-2 Khảo sát và thí nghiệm đất nền, EN 1997-3 Thiết kế dựa vào thí nghiệm hiện trường.  

Tiêu chuẩn EN 1998 Thiết kế kết cấu chịu động đất bao gồm các phần EN 1998-1 Nguyên tắc chung, EN 1998-2 Cầu, EN 1998-3 Đánh giá và sửa chữa nhà, EN 1998-4 Silô, bồn bể và đường ống, EN 1998-5 Móng, kết cấu tường chắn và vấn đề địa kỹ thuật, EN 1998-6 Tháp, trụ và ống khói.  

Tiêu chuẩn EN 1999 Thiết kế kết cấu nhôm bao gồm các phần EN 1999-1-1 Nguyên tắc chung, EN 1999-1-2 Kết cấu chị lửa, EN 1999-2 Mỏi của kết cấu. 

8. Khi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Eurocodes, ngoài nội dung của tiêu chuẩn đã được thống nhất, phần Phụ lục Quốc gia National Annex kèm theo tiêu chuẩn có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi nước. Trong Phụ lục này, các thông số tính toán và thiết kế phải được nghiên cứu và lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, vật liệu và trình độ công nghệ của mỗi nước. Do đó, đây không đơn thuần chỉ là việc dịch thuật mà còn là nhiệm vụ nghiên cứu hết sức phức tạp, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ và nguồn lực để hoàn thành các công việc nghiên cứu, chuyển dịch, phổ biến và áp dụng Eurocodes ở mỗi nước. 

9. Ngoài những tiêu chuẩn chủ yếu về kết cấu xây dựng nói trên, có hơn 100 tiêu chuẩn châu Âu khác về vật liệu, thí nghiệm, thi công, quản lý chất lượng cũng được tham chiếu trong các tiêu chuẩn Eurocodes. Có thể nêu ra đây một số tiêu chuẩn: EN 197 Xi măng; gồm 4 phần cho việc đánh giá sự phù hợp chất lượng; EN 196 Các phương pháp thsi nghiệm xi măng; gồm 21 phần; EN 10080 Thép làm cốt cho bê tông; EN 206-1 Bê tông. Điều kiện kỹ thuật, tính năng, sản xuất và sự phù hợp; EN 12620 Cốt liệu cho bê tông; EN 933 Thí nghiệm các tính chất chung của cốt liệu; EN 12350 Thí nghiệm bê tông tươi; gồm 7 phần; EN 12390 Thí nghiệm bê tông đã đông cứng; gồm 9 phần; EN 12504 Thí nghiệm bê tông trên kết cấu công trình; gồm 4 phần; EN 13670-1 Thi công kết cấu bê tông; EN 14487 Bê tông phun; EN 1011 Hàn; gồm 8 phần; EN 10025 Sản phẩm thép kết cấu cán nóng; gồm 6 phần; EN 1090 Thi công kết cấu thép; EN 1536 Thi công địa kỹ thuật đặc biệt. Cọc khoan nhồi; EN 1538 Thi công địa kỹ thuật đặc biệt. Tường trong đất Diaphragm; EN ISO 22476 Khảo sát và thí nghiệm địa kỹ thuật; EN 473 Thí nghiệm không phá hoại. Phân loại và cấp chứng chỉ cho người thí nghiệm NDT. Nguyên tắc chung;…. 

10. Theo kế hoạch, một số tiêu chuẩn Eurocodes của châu Âu đã và đang được Bộ Xây dựng cho nghiên cứu và chuyển dịch thành tiêu chuẩn Việt Nam. Một trong các số đó là TCXDVN 375: 2006 Thiết kế công trình chịu động đất đã được ban hành dựa trên EN 1998 Phần 1 và 5, trong đó có Phụ lục Quốc gia về phân vùng động đất trên lãnh thổ Việt Nam. Các tiêu chuẩn khác EN 1992, EN 1993, EN 1994 đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ đưa ra áp dụng trong thời gian sớm nhất. Phương pháp chung để chuyển dịch là: chấp nhận và chuyển dịch nguyên văn toàn bộ nội dung của tiêu chuẩn theo nguyên tắc chung đã được các nước châu Âu chấp thuận; nghiên cứu và đưa ra các thông số để thành lập các Phụ lục Quốc gia, trong đó có việc soát xét lại các TCVN hoặc TCXDVN đã ban hành vì một số tiêu chuẩn Việt Nam đã được chuyển dịch từ tiêu chuẩn ISO, tương thích với các tiêu chuẩn được trích dẫn trong Eurocodes. 

11. Để đảm bảo cho việc triển khai và áp dụng thành công các tiêu chuẩn Eurocodes tại nước ta, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi xem xét kế hoạch chuyển dịch tiêu chuẩn Eurocodes, nhiệm vụ khoa học công nghệ của ngành cần tập trung vào các giải pháp sau đây:  

– Cần xem việc chuyển dịch và áp dụng Eurocodes là một trong những nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên của ngành nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt nam trong giai đoạn hội nhập.  

– Trong năm 2007, tập trung chuyển dịch các tiêu chuẩn chính EN 1990, 1991, 1992, 1993, 1994, 1996, 1997, 1999 EN 1998 đã được chuyển dịch và một số tiêu chuẩn khác được tham chiếu trong các tiêu chuẩn chính. Những năm 2008 – 2010 sẽ chuyển dịch các tiêu chuẩn khác về vật liệu, thi công, quản lý chất lượng… và biên soạn các tài liệu hướng dẫn kèm theo. Trong quá trình chuyển dịch các tiêu chuẩn về vật liệu, thí nghiệm vật liệu, quản lý chất lượng…, cần xem xét các tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành dựa trên các tiêu chuẩn ISO để tránh sự trùng lặp.  

– Tập trung nguồn lực cho việc triển khai chuyển dịch các tiêu chuẩn chính, nghiên cứu thành lập các Phụ lục Quốc gia cho các tiêu chuẩn tương ứng, soát xét hoặc chuyển dịch một số tiêu chuẩn chủ yếu khác được tham chiếu trong các tiêu chuẩn chính. Phấn đấu đến năm 2010, sẽ hoàn thành đồng bộ các tiêu chuẩn. Khi đó, cần đầu tư thích đáng để thu thập tài liệu tiêu chuẩn và các tài liệu có liên quan, huy động tối đa lực lượng khoa học và chuyên gia ngành vật liệu, kết cấu và nền móng công trình, địa kỹ thuật, thi công xây lắp, quản lý chất lượng… từ các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty tư vấn, hiệp hội… để hoàn thành các nhiệm vụ nói trên.  

– Cần có sự hợp tác quốc tế nhằm tìm nguồn tài trợ cho việc chuyển dịch các tiêu chuẩn Eurocodes; tiếp tục hợp tác tích cực với Viện Tiêu chuẩn Anh BSI để tham vấn, trao đổi chuyên môn, giải mã các vấn đề thuộc nội dung của các tiêu chuẩn, học hỏi kinh nghiệm thiết lập các Phụ lục Quốc gia.  

– Tổ chức các hội thảo, tập huấn tại các địa phương, xuất bản các tài liệu có liên quan nhằm phổ biến và áp dụng đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn Eurocodes ở Việt nam. Lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam được chuyển dịch từ Eurocodes được đề xuất là: 1 áp dụng song hành với các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành đến năm 2010 như là tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng; 2 sau năm 2010, thay thế các tiêu chuẩn tương ứng hiện hành và áp dụng thống nhất trong cả nước.  

TS Nguyễn Trung Hoà  

Vụ Khoa học Công nghệ – BXD 


...

SINGAPORE áp dụng Tiêu chuẩn Châu Âu (Eurocodes) trong xây dựng

Singapore đã thông qua một loạt tiêu chuẩn xây dựng và thiết kế mới, bao gồm các hướng dẫn trong việc xây dựng các tòa...

...

Bộ Tiêu chuân Châu Âu (EN Eurocodes) về Kết cấu Xây dựng

EN Eurocodes là một bộ gồm 10 Tiêu chuẩn Châu Âu cung cấp một cách tiếp cận chung cho việc thiết kế các tòa nhà, các...

...

Giới thiệu tổng quan cấu trúc Bộ Tiêu chuẩn Châu Âu Eurocodes

Bộ Eurocodes được tạo thành từ 10 Tiêu chuẩn Châu Âu về thiết kế kết cấu và mỗi Eurocode bao gồm các khía cạnh kỹ thuật...

Ấn phẩm