Loading data. Please wait

Tin tức / Tiêu chuẩn

Quy trình xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)

Quy trình xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) gồm 7 bước:

Bước 1: Đề nghị xây dựng TCVN

Mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế TCVN. Đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế TCVN được trình bày dưới dạng dự án TCVN theo yêu cầu và có thể kèm theo dự thảo tiêu chuẩn đề nghị (nếu có).

Bước 2: Xét duyệt dự án TCVN và đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN

Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn (sau đây gọi là Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia) tổ chức việc xét duyệt dự án TCVN. Dự án TCVN được duyệt là căn cứ cho việc lập kế hoạch xây dựng TCVN.

Bước 3: Biên soạn dự thảo BKT

Ban kỹ thuật thực hiện các công việc sau:

- Lập và thông qua chương trình công tác để soạn thảo tiêu chuẩn;

- Thu thập và xử lý các tài liệu tham khảo, các số liệu hoặc kết quả thử nghiệm có liên quan, các thông tin về sản xuất, quản lý, sử dụng, nghiên cứu khoa học và công nghệ,…;

- Dịch và nghiên cứu các tài liệu chính làm cơ sở cho việc soạn thảo (nếu có);

- Biên soạn dự thảo Ban kỹ thuật;

- Viết bản thuyết minh dự thảo tiêu chuẩn;

- Thư ký Ban kỹ thuật gửi dự thảo BKT kèm theo bản thuyết minh để lấy ý kiến thành viên Ban kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn. Thời hạn lấy ý kiến cho dự thảo BKT theo đúng chương trình công tác;

- Ban kỹ thuật tổ chức họp để thông qua dự thảo BKT. Việc thông qua dự thảo được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận. Trường hợp dự thảo BKT không được ít nhất ba phần tư (3/4) thành viên của Ban kỹ thuật nhất trí thì phải sửa chữa và lấy ý kiến lại trong Ban kỹ thuật cho đến khi dự thảo BKT được thông qua.

- Thư ký Ban kỹ thuật thu thập và xử lý các ý kiến góp ý, lập bản tổng hợp và tiếp thu ý kiến góp ý, tổ chức sửa chữa, bổ sung dự thảo BKT và soạn thảo thành dự thảo TCVN và viết bản thuyết minh kèm theo dự thảo TCVN.

Bước 4: Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCVN

4.1. Dự thảo TCVN và bản thuyết minh (đã được thông qua trong Ban kỹ thuật) được gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến góp ý.

Danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần lấy ý kiến được xác định trong dự án TCVN đã được xét duyệt.

Dự thảo TCVN có thể được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức tương tự để lấy ý kiến rộng rãi của các bên quan tâm.

Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày gửi dự thảo.

4.2. Thư ký Ban kỹ thuật xử lý các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, lập bản tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý, tổ chức sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo TCVN.

4.3. Nếu các ý kiến góp ý hoàn toàn đồng ý với nội dung của dự thảo TCVN thì Thư ký Ban kỹ thuật báo cáo với Trưởng Ban kỹ thuật về kết quả xử lý và lập hồ sơ dự thảo TCVN theo quy định và soạn thảo tờ trình hồ sơ dự thảo TCVN để Trưởng Ban kỹ thuật thông qua.

4.4. Trong trường hợp có ý kiến chưa nhất trí, dự thảo TCVN được đưa ra thảo luận tại Hội nghị chuyên đề để tìm phương án xử lý.

Thành phần tham dự Hội nghị chuyên đề có thể bao gồm các thành viên của Ban kỹ thuật và đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi dự thảo TCVN lấy ý kiến và các chuyên gia khác, nếu thấy cần thiết.

Khi cần, có thể tiến hành việc thử nghiệm, lấy thêm số liệu hoặc gửi dự thảo TCVN đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến bổ sung và tổ chức hội nghị chuyên đề nhiều lần để đảm bảo nguyên tắc đồng thuận cho đến khi dự thảo TCVN hoàn chỉnh.

Thư ký Ban kỹ thuật xử lý các ý kiến góp ý, lập biên bản hội nghị và bản tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý, tổ chức sửa chữa, bổ sung để hoàn chỉnh dự thảo TCVN. Sau đó, Thư ký Ban kỹ thuật tiến hành lập hồ sơ dự thảo TCVN theo quy định và soạn thảo tờ trình hồ sơ dự thảo TCVN để Trưởng Ban kỹ thuật thông qua.

4.5. Hồ sơ dự thảo TCVN do Ban kỹ thuật thực hiện phải được thẩm tra theo quy định trước khi trình thẩm định.

Bước 5: Thẩm định tiêu chuẩn quốc gia

5.1. Sau khi nhận được hồ sơ dự thảo TCVN, Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia tổ chức thẩm định theo đúng quy định hiện hành.

5.2. Ban kỹ thuật có trách nhiệm bảo vệ dự thảo TCVN trước Hội đồng và có trách nhiệm xử lý dự thảo, hồ sơ dự thảo TCVN theo kết luận của Hội đồng (nếu có).

5.3. Sau khi hoàn thành các thủ tục thẩm định, Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia tiến hành việc cấp số hiệu tiêu chuẩn cho dự thảo TCVN.

Bước 6: Công bố tiêu chuẩn quốc gia

6.1. Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia tiến hành lập hồ sơ dự thảo TCVN trình duyệt.

Bản TCVN trình duyệt phải rõ ràng, chính xác, được trình bày theo đúng quy định.

6.2. Quyết định công bố TCVN được thông báo rộng rãi cho các bên liên quan.

Bước 7: Xuất bản và phát hành TCVN

Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia tổ chức việc xuất bản và phát hành TCVN đã được công bố.

 


...

Bốn mươi năm hình thành và phát triển của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam.

Hoạt động xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm với những thành tựu và đóng góp tích cực cho sự phát triển...

Ấn phẩm