Loading data. Please wait
Thế giới đang bước vào ngưỡng cửa của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với những thay đổi to lớn toàn diện tới đời sống kinh tế xã hội. Sự ra đời của hàng loạt công nghệ số hóa như kết nối internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (Al) hay điện toán đám mây (Cloud computing) v.v… của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã hình thành nên một nền sản xuất đặc biệt, đó là sản xuất thông minh (Smart manufacturing).
Sản xuất thông minh hay còn gọi là nhà máy thông minh (smart factory) hoặc hệ thống sản xuất tiên tiến (Advanced manufacturing systems) đóng vai trò quan trọng thay đổi nền sản xuất với việc ứng dụng những công nghệ số hóa nêu trên vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, đồng thời bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất, Sản xuất thông minh tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi hệ thống có thế sản xuất theo từng đơn đặt hàng để cá nhân hóa (personalization) cũng như phản ứng nhanh hơn với yêu cầu của thị trường. Sản xuất thông minh không còn là ý tưởng vĩ đại trên giấy mà đã được các tập đoàn lớn tại một số nước có tiềm lực công nghệ triển khai như ví dụ sau đây tại Đức. Hệ thống máy móc và công nghệ thông tin tại nhà máy điên tử Siemens (EWA) tại Đức thực hiện 75% chuỗi giá trị sản phẩm để mỗi ngày sản xuất là 75000 sản phẩm đi khắp thế giới.
Thấy được tầm quan trọng to lớn của Sản xuất thông minh đặc biệt với sức cạnh tranh của nền kinh tế, các nước thành viên Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã đưa ra chính sách để đầu tư cho Sản xuất thông minh. Năm 2011, đối tác sản xuất tiên tiến (Advanced Manufacturing Partnership – AMP) đã tập hợp các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính trị để thành lập theo ý tưởng của Tổng thống Obama nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách, nhờ đó đầu tư cho Sản xuất thông minh của Mỹ ngày càng được đẩy mạnh. Trung Quốc trong viễn cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cũng không đứng yên chờ đợi mà đã đưa ra chính sách “Made in China 2025” năm 2015 với mục tiêu đạt được nền sản xuất tiên tiến áp dụng những công nghê như Al hay Robot. Dự kiến Trung quốc sẽ nâng mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển lên 2,5% GDP. Hàn Quốc và Singapore cũng đưa ra những chương trình như Innovation in Manufacturing 3.0 hay Smart Nation để xác định những mũi nhọn được đầu tư cho Sản xuất thông minh.
Đối với Việt Nam, để tiếp cận với làn sóng công nghệ mới này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong đó Sản xuất thông minh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các nước nói chung và Việt Nam nói riêng tiến cận Cách mạng công nghệ 4.0. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang đề xuất các dự án về sản xuất thông minh trình lên Tổ chức năng suất châu Á (APO) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để thu hút kinh nghiệm phát triển quý báu của các nước trong khu vực châu Á cũng như các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương./.