Loading data. Please wait
Chúng ta không còn có thể hình dung ra một thế giới không có máy vi tính hay mạng internet, tuy nhiên, ở vào thời điểm năm 2017 hiện tại, đây thực sự là một tin đã lỗi thời. Những phát triển thú vị hơn nữa vẫn còn đang ở phía trước. Từ thực tế ảo cho đến trí thông minh nhân tạo, để sẵn sàng cho những điều sắp đến, trước nhất chúng ta cần hiểu được chúng ta đã đạt đến mốc này bằng cách nào, và nhận biết được những nhân tố thầm lặng đã dọn đường cho chúng ta.
Chúng ta hoàn toàn có thể biến giấc mơ thành hiện thực, và đó thực sự là một điều kì diệu. Công nghệ là cách thức chúng ta vượt qua các giới hạn tự nhiên để biến đổi cuộc sống của chúng ta và thế giới. Bầu trời và những đại dương sâu thẳm đã không còn nằm ngoài tầm với. Với công nghệ, chúng ta có thể đi xa hơi và bay cao hơn. Chúng ta có thể làm được nhiều hơn trong khi sử dụng ít nguồn lực hơn. Đó là một thứ vũ khí lợi hại để chống lại bệnh tật và sự mất khả năng. Nó là hiện thân của sự thoải mái, an toàn, kết nối và đôi khi là phá hủy.
Mối quan hệ của chúng ta với công nghệ bắt đầu khi con người lần đầu tiên biến tài nguyên thiên nhiên thành các công cụ cơ bản. Điều chúng ta đã không thể lường trước đó là tốc độ của các cải tiến mang tính đột phá, nó đã tạo đà và mở ra những thay đổi rõ rệt đối với cách thức mà chúng ta sinh sống. Ví dụ, với sự tiến bộ của công nghệ in 3D, cha mẹ của những trẻ bị khuyết chi đã có thể “in” các chi giả đơn giản tại gia với chi phí thấp và không đòi hỏi quá nhiều thời gian.
Một công ty khởi nghiệp có tên Open Bionics mới đây đã đưa công nghệ này lên một tầm cao mới khi công bố mẫu thử nghiệm cánh tay in 3D hứa hẹn sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất thiết bị đổi đời này.
Công nghệ từng được nhắc đến trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cuối cùng cũng bắt đầu bước chân ra đời thực. Mới chỉ năm ngoái, máy bay của Solar Impulse đã chứng minh rằng việc bay vòng quanh thế giới với năng lượng mặt trời là một điều hoàn toàn khả thi. Vậy tiếp theo sẽ là gì?
Những làn sóng thay đổi
Thật khó để mà hình dung ra có điều gì mà chúng ta không thể đạt được nếu như chúng ta có đủ thời gian. Việc này khiến chúng ta phải tự hỏi: mối quan hệ của chúng ta công nghệ đã và đang thay đổi như thế nào? Hệ quả của nó đối với con người? Liệu việc tiếp cận công nghệ có trở thành một phần của nhân quyền? Trước khi có thể trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trên đây, chúng ta cần hiểu bằng cách nào chúng ta đã đạt đến vị trí ngày hôm nay.
Sự ra đời của tiêu chuẩn quốc tế đã đóng một vai trò bất ngờ trong sự bùng nổ công nghệ cao này. Tiêu chuẩn quốc tế cung cấp một cơ sở vững chắc cho những cải tiến “lành mạnh” và thành công. Nếu không có chúng, chúng ta có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để đạt được đến mốc hiện tại. Hai trong số những lợi ích cơ bản nhất của việc chuẩn hóa có thể nói đến tính tương thích và tương hợp. Chúng cho phép thẻ tín dụng có thể được đọc bởi bất kỳ máy nào trên thế giới, cho phép các tệp có để đọc bằng các chương trình khác nhau và cho phép các thiết bị kết nối với nhau. Nếu không có chúng, các công nghệ mới sẽ không thể kết hợp với các công nghệ hiện có, mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) sẽ là một điều bất khả và việc áp dụng các sáng kiến dựa trên lưới điện như xe điện sẽ phức tạp hơn nhiều.
Tất nhiên, kể từ thời cổ đạicon người đã dựa vào các quy trình và phép đo tiêu chuẩn nói riêng và công nghệ nói chung. Nhưng với sự xuất hiện của ISO, lần đầu tiên các tiêu chuẩn về nhiều lĩnh vực kỹ thuật - từ ốc vít đến máy bay - đã được phát triển một cách nhất quán với những kiến thức chuyên môn tốt nhất thế giới và sau đó được áp dụng ở cấp độ toàn cầu. Do đó quy mô lợi ích mà chúng mang lại đã được nhân lên gấp bội và việc mang những nghiên cứu, tài năng và năng lực từ khắp nơi trên thế giới lại gần với nhau đã hoàn toàn có thể xảy ra.
Tư tưởng lớn gặp nhau
Ngay từ đầu, ISO đã được thành lập như là một mạng lưới các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia và luôn hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các bên liên quan chủ chốt khác. Ví dụ, sự hợp tác của ISO với Ủy ban Điện kỹ thuật Quốc tế (IEC) đã dẫn đến sự ra đời của một trong những ủy ban lớn nhất và có uy tín nhất về các tiêu chuẩn công nghệ, cụ thể là Ủy ban ISO/IEC JTC 1 về Công nghệ thông tin.
Trên thực tế, những Ủy ban đầu tiên của ISO chủ yêu liên quan đến công nghệ và, do tiêu chuẩn tạo điều kiện cho việc chuyên biệt hóa vào các bộ phận và ứng dựng, các nhà sản xuất sẽ không cần phải chế tạo toàn bộ sản phẩm từ đầu. Ví dụ, một nhà sản xuất xe hơi, có thể nhập lốp xe từ một đơn vị khác, theo đó có thể giảm chi phí và tinh giản đầu tư. Từ bu long và đai ốc cho đến ôtô và tầu, tiêu chuẩn quốc tế luôn phản ánh được tầm vóc của công nghệ của thời đại và hỗ trợ sự phát triển của sản xuất hàng loạt.
Ngày nay, các kiến thức được chia sẻ và các hệ thống mở đã và đang đa dạng hóa và dân chủ hóa các đổi mới. Lấy điện thoại thông minh làm ví dụ, sự tồn tại của các hệ điều hành đã dựng sẵn như Android cho phép các nhà sản xuất điện thoại có thể tập trung toàn bộ nguồn lực vào sản xuất phần cứng. Các nhà phát triển không còn cần phải suy nghĩ về việc người sử dụng cần những công cụ nào trên thiết bị do bây giờ bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một ứng dụng cho phép người sử dụng tải xuống, ví dụ như đèn pin, máy đo độ cao hoặc thậm chí GPS nói theo giọng của Arnold Schwarzenegger.
Tất nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra khi những nhà phát triển hệ điều hành đưa ra một giao diện lập trình ứng dụng (API), cung cấp một ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người. Ý tưởng về một ngôn ngữ chung cũng là trọng tâm của việc chuẩn hóa, do vậy có thể thấy có đến hàng trăm tiêu chuẩn ISO về thuật ngữ, từ vựng và các phép đo thống nhất. Điều này có vẻ không mang tính cách mạng, nhưng hãy thử tưởng tượng về hợp tác quốc tế mà thiếu vắng những tiêu chuẩn như vậy! Vào năm 1999, NASA đã mất một chiếc tàu vũ trụ sao Hỏa trị giá 125 triệu USD vì một đội kỹ sư của đối tác đã sử dụng đơn vị đo khác với đơn vị mét mà cơ quan hàng không vũ trụ đang sử dụng. Thiết bị phát nổ ở giữa không trung ngay sau khi khởi động. Hậu quả của việc “không có tiếng nói chung” có thể rất thảm khốc.
Mới chỉ là khởi đầu
Tất nhiên, những gì chúng ta đã đề cập đến mới chỉ là những nét rất sơ lược về vai trò của ISO trong công tác thúc đẩy đổi mới, do các tiêu chuẩn rất khuyến khích sáng tạo trong khi vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn.
Khi công nghệ nano bắt đầu trở nên phổ biến vào những năm 1980 đến đầu thế kỷ 21, nó gây ra nhiều tranh cãi và sợ hãi. Sự không đảm bảo thường khiến cho các nhà đầu tư thận trọng với những công nghệ chưa biết, nhưng tiêu chuẩn ISO có thể làm dịu đi một số nghi vấn và tăng cường niềm tin bằng cách thiết lập các thông số để dẫn hướng cho an toàn và công tác kiểm tra chất lượng. Nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban ISO/TC 229 về Công nghệ nano đã làm việc với các tiêu chuẩn như vậy trong một thời gian.
Tuy nhiên, nếu công tác phát triển tiêu chuẩn quá chậm trễ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện các hệ thống song song, làm phức tạp thêm vấn đề và gây ra những tốn kém không cần thiết. Tất nhiên, tất cả các tiêu chuẩn cần phải duy trì một mức độ linh hoạt nhất định và thích nghi với sự phát triển của công nghệ, để tránh gây cản trở quá trình đổi mới. Một ví dụ dễ thấy cho vấn đề này đó là hệ thống máy bay không người lái (UAS), hệ thống này đang xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp đến giao pizza.
Hiện tại, có rất ít các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế đồng bộ đối với giao thức liên lạc, điều hướng và kiểm soát. Cortney Robinson, Giám đốc Cơ sở Hạ tầng Hàng không dân dụng tại Hiệp hội Công nghiệp hàng không Hoa Kỳ, tin rằng nếu chúng ta không làm gì bây giờ, sự phức tạp của tình huống này sẽ chỉ tăng theo thời gian và có thể làm giảm các lợi ích xã hội.
Vì số lượng UAS đang ngày một tăng và chúng chia sẻ không phận với máy bay có người lái truyền thống, chúng ta cần đảm bảo rằng chúng sẽ không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người, tài sản hoặc máy bay khác. “Các tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thị trường thương mại toàn cầu cho máy bay không người lái ... trong khi vẫn duy trì được sự an toàn và tăng hiệu quả không phận”, Cortney giải thích. Bằng cách chia sẻ kiến thức, tiêu chuẩn ISO cho máy bay không người lái cũng sẽ khuyến khích nsự tham gia của nhiều hơn nữa các nhà cải cách. Điều này có nghĩa là công nghệ sẽ tiến triển nhanh hơn. Đây cũng là tin vui cho người tiêu dùng khi mà cạnh tranh nhiều hơn có nghĩa là chi phí thấp hơn, và đồng thời cũng là tin vui cho các nhà quản lýkhi mà họ có thể giảm bớt những căng thẳng về nguồn lực bằng cách dựa vào các tiêu chuẩn ngành.
Một lợi ích khác mà tiêu chuẩn mang lại đó là tiếp cận thị trường. Khi liên doanh robotics CYBERDYNE bắt tay vào sản xuất người máy thế hệ tiếp theo cho công nhân và người chăm sóc, họ là một trong những công ty đầu tiên tuân thủ các yêu cầu an toàn của ISO 13482 trong giai đoạn đầu của quá trình thiết kế. Công ty nhận biết rằng tiêu chuẩn đối với người máy chăm sóc cá nhân này sẽ giúp làm yên lòng những đối tượng sử dụng tiềm năng, giúp quá trình phân phối sản phẩm trở nên dễ dàng hơn. Ông Yoshiyuki Sankai, Giám đốc điều hành của CYBERDYNE cho biết: "ISO đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá các thiết kế mới…chúng tôi đã không thể làm được điều đó nếu không có ISO”.
Vượt qua các giới hạn
Thông qua việc cung cấp nền tảng và sự tự tin thúc đẩy các bộ não xuất chúng khảo sát các giới hạn của sự đổi mới và khoa học, các tiêu chuẩn đã trở thành những nhân tố thầm lặng có khả năng làm thay đổi cục diện trong cuộc cách mạng công nghệ lần này. Khi nói về cuộc thám hiểm vòng quanh thế giới nhờ năng lượng mặt trời, André Borschberg - một phi công trong chuyến bay của Solar Impulse cho biết: “Tiếc là anh em nhà Wright đã không đưởng hưởng những lợi ích mà tiêu chuẩn mang lại... Nếu có, tôi chắc chắn họ đã có thể làm nhanh hơn, và có lẽ đã đi xa hơn. Đó là những gì chúng ta làm ngày hôm nay và đó là lý do tại sao chúng ta tiến bộ.”
Tiến về phía trước, các nhà cải cách sẽ tiếp tục định hình và thay đổi thế giới của chúng ta với một tốc độ ngày càng lớn. Nhưng dù làm gì đi nữa, chúng ta cũng cần phải cẩn thận để không rơi vào cái bẫy của “công nghệ vì lợi ích công nghệ” hoặc hạn chế lợi ích của chúng trong một số ít đối tượng. Các tiêu chuẩn quốc tế đóng một vai trò vô cùng giá trị khi đặt ra những câu hỏi quan trọng về an toàn, tính bền vững, tác động tới môi trường và thậm chí cả chi phí về con người. Thông qua khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và giảm chi phí, các tiêu chuẩn đảm bảo công nghệ sẽ tiếp cận được với ngày càng nhiều người hơn, do đó một bộ phận lớn của nhân loại không bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải luôn luôn nhìn vào thực tế rằng, ở trung tâm của sự đổi mới, có những người đang cố gắng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng biến giấc mơ đó thành cơn ác mộng.
(Theo: ISO)