Đầu tháng 12 năm 2017 trong khuôn khổ Chương trình  Chia sẻ Kiến thức với Việt Nam của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), một đoàn công tác với sự tham gia của các thành viên đến từ Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Tiêu chuẩn và Người tiêu dùng Việt Nam đã tham dự hội thảo và làm việc với một số cơ quan, hiệp hội và tập đoàn của Hàn Quốc về vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).

Dưới đây là một số thông tin và kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp đối phó với các hàng rào kỹ thuật trong thương mại trên thế giới, nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Hàng rào kỹ thuật là một trong các rào cản lớn nhất trong thương mại hiện nay

Đó là tổng kết của Giáo sư Jang, Yong Joon - Đại học Kyung Hee Hàn Quôc, khi tập hợp các nghiên cứu trong hơn 30 năm qua của các nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Theo đó hàng rào kỹ thuật được hiểu là các biện pháp kỹ thuật được các nước áp dụng đối với mọi loại hàng hóa khi qua biên giới, bao gồm cả hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu, chịu sự tác động của các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (thường gọi là TBT) cũng như kiểm dịch động thực vật (thường hiểu là SPS). Điều này cũng phù hợp với Phân loại năm 2012 của UNCTAD về các biện pháp phi thuế quan (NTM). Trong Phân loại này, tổng số 175 biện pháp NTM được các nước trên thế giới áp dụng thì có đến 58 biện pháp TBT (24) &SPS (34), chiếm 33% trong tổng số các biện pháp NTM được phân loại. Có nghĩa là cứ 3 biện pháp NTM thì có 1 biện pháp TBT hoặc SPS.

Người ta nói đến sự trở lại của chủ nghĩa bảo bộ mậu dịch sau khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008-2009. Và trong bối cảnh hàng rào thuế quan liên tục giảm theo các cam kết WTO và các FTA và theo đó, hàng rào phi thuế, bao gồm cả hàng rào TBT và SPS, dường như được sử dụng như là một biện pháp để cân bằng sự sụt giảm này. Nhưng cũng có những yếu tố khác có thể dẫn đến sự gia tăng các biện pháp TBT&SPS: để có phát triển thương mại bền vững, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nước, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm được nhiều nước quan tâm trong thời gian gần đây.

Chính phủ Hàn Quốc nhận thức được tác động của hàng rào kỹ thuật đến kinh tế, thương mại là to lớn, nên có những biện pháp thực chất để hạn chế những tác động tiêu cực của chúng.

Chiến lược của Hàn Quốc đối phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại

Chiến lược này bao gồm các yếu tố cơ bản sau: (i) một cơ chế đối phó thích hợp và có tổ chức, (ii) sự hợp tác quốc tế có hiệu quả và (iii) các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu và đúng đối tượng.

Chiến lược này đã được từng bước thực hiện trong hơn 10 năm qua và đã thu được những kết quả quan trọng. Trong 3 năm 2014-2016[1], Hàn Quốc đã đưa ra tại diễn đàn WTO 151 quan ngại về TBT, trong đó 61 quan ngại được giải quyết trong khuôn khổ của diễn đàn này và 90 quan ngại được tiếp tục giải quyết trong khuôn khổ tham vấn song phương, đặc biệt thông qua các buổi làm việc trực tiếp với đối tác tại nước đưa ra biện pháp TBT. Phương thức làm việc trực tiếp này mang lại hiệu quả cao: trong hai năm 2014-2015, trên 84% các vụ việc đã được dàn xếp, chỉ còn trên 10% vụ việc còn lại được tiếp tục tham vấn.

Quy trình 4 bước đối phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại[2]

Một quy trình chặt chẽ và đủ sự linh hoạt được đề ra để thực hiện chiến lược nêu trên. Đó là: Bước 1: Thu thập thông tin, Bước 2: Nghiên cứu & Phân tích, Bước 3: Hình thành chiến lược đối phó, và Bước 4: Thực hiện các biện pháp đối phó.

Có rất nhiều đối tượng đa dạng tham gia vào quy trình đối phó với TBT: từ các bộ, ngành cho đến các hiệp hội chuyên ngành, từ các doanh nghiệp cho đến các trường, viện nghiên cứu, từ các phòng thử nghiêm cho đến các chuyên gia tư vấn độc lập, từ các cơ quan ngoại giao cho đến các tổ chức ngoại thương của Hàn Quốc ở nước ngoài. Một quy trình chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia đã làm cho quy trình vận hành suôn sẻ và hiệu quả.

Hình 1. Hệ thống của Hàn Quốc đối phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại

Hệ thống đối phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại[3]

Hệ thống này bao gồm 3 thành phần chính: (1) Ban Thư ký TBT (các Bộ, ngành có liên quan), (2) Mạng lưới của Hàn Quốc về TBT của Thế giới (Korea Network of World TBT - KNOW TBT) và (3) Liên minh TBT (TBT Consortium)

Trong Hệ thống này, trong khi KNOW TBT là một Portal cung cấp các thông liên về hàng rào kỹ thuật của các nước Thành viên WTO và các thông tin có liên quan khác, thì Liên minh TBT thực hiện phân tích, đánh giá tác động của các hàng rào kỹ thuật của các nước làm tiền đề cho việc xây dựng các biện pháp đối phó.

Liên minh TBT gắn kết hai nhóm đối tượng chủ yếu, cụ thể là:

Nhóm 1: nhóm chịu tác động bởi các biện pháp TBT, bao gồm 19 hiệp hội chuyên ngành, trong đó 5 hiệp hội trong lĩnh vực điện - điện tử, 5 hiệp hội trong lĩnh vực máy móc thiết bị và kim loại, và 9 hiệp hội trong lĩnh vực hóa chất và hàng tiêu dùng.

Nhóm 2: nhóm đánh giá các tác động gây ra bởi các biện pháp TBT, bao gồm 7 Viện (Viện Thử nghiệm và Nghiên cứu Hàn Quốc-KTR, Tập đoàn Viễn thông Hàn Quốc-KTC, Hội các Phòng thử nghiệm Sự phù hợp Hàn Quốc-KCL, Viện Thương mại và Đầu tư-ITI, Viện Kinh tế Thương mại Hàn Quốc-KIEP, Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc-KIET, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc-KITA) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc-KOTRA.

Để hỗ trợ cho nhóm 2 trên, một lực lượng gồm 274 các nhà chuyên gia trong 90 nhóm vấn đề và 10 lĩnh vực được tập hợp, có nhiệm vụ tư vấn cho các viện tương ứng. Các viện được cung cấp tài chính để thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao và các chuyên gia được trả tiền cho các hoạt động tư vấn của mình.

Các nhóm biện pháp đối phó chủ yếu bao gồm:

  1. Góp ý, nêu quan ngại đối với các biện pháp TBT của nước ngoài trong khuôn khổ WTO và các FTA, nhằm yêu cầu các nước điều chỉnh biện pháp TBT, hạn chế những tác động tiêu cực của các biện pháp này đối với thương mại của Hàn Quốc;
  2. Thiết lập các cơ chế hợp tác ví dụ MRA, MOU... và chuyển giao công nghệ/trang thiết bị cho các nước đang phát triển, nhằm tăng cường việc thừa nhận, công nhận lẫn nhau, giảm các thử nghiệm, chứng nhận không cần thiết tại nước nhập khẩu, thông qua đó giảm chi phí và thời gian tiếp cận thị trường.
  3. Các hoạt động nghiên cứu triển khai, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao khả năng đối phó với TBT: chủ yếu dành cho các doanh nghiệp SME dưới dạng dự án, kinh phí khoảng 0,2 tỷ won/năm (~200.000 USD) cho một vấn đề/dự án.

*  *

*

Một vài suy nghĩ về sự thành công của Hàn Quốc trong việc đối phó với TBT

Sự bảo đảm cho sự thành công nói trên chính là nhận thức của Chính phủ Hàn Quốc và nguồn tài chính từ ngân sách để duy trì một hệ thống đối phó với TBT với một chiến lược và quy trình làm việc, phối hợp hết sức rõ ràng và khoa học.

Liên hệ với Việt Nam, bóng dáng của hệ thống và quy trình xử lý TBT của Hàn Quốc cũng được thể hiện trong Quy trình số 09/2006/QĐ-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành trước khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Ngoài ra một Ban liên ngành TBT và Mạng lưới TBT cũng được thành lập.

Tuy nhiên, cái Việt Nam không có được đó là một chiến lược đối phó có mục tiêu và sự bảo đảm tài chính của Chính phủ cho các hoạt động thường xuyên của hệ thống đối phó. Một điểm dễ nhận thấy trong Liên minh TBT đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai khối: khối chịu tác động (hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp) và khối học giả (đến từ các trường đại học và các viện nghiên cứu) trong đánh giá tác động của biện pháp TBT nước ngoài, trước khi báo cáo đánh giá tác động được chuyển cho các cơ quan có liên quan của các Bộ, ngành xử lý và áp dụng các biện pháp đổi phó.

Các biện pháp đối phó của Việt Nam cũng khác với của Hàn Quốc: biện pháp của Việt Nam chỉ bao gồm nhóm 1 trong 3 nhóm biện pháp đối phó của Hàn Quốc. Các nhóm biện pháp đối phó 2 & 3 của Hàn Quốc nhằm hai mục đích:

  1. Tăng cường hợp tác với các nước đưa ra biện pháp TBT&SPS ảnh hưởng tới thương mại của Hàn Quốc để các nước này giải quyết những khó khăn về pháp luật và hạ tầng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp giúp các nước này đáp ứng tốt hơn các nghĩa vụ TBT&SPS của WTO, tránh đưa ra các biện pháp trái với nguyên tắc của WTO hạn chế thương mại của nước khác, trong đó có Hàn Quốc.

Biện pháp này Hàn Quốc đã áp dụng đã từ lâu với Việt Nam thông qua các dự án về thử nghiệm, đo lường và thành lập chi nhánh tại Việt Nam (giữa Quacert và KTR).

       2. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp SME thông qua các dự án nhằm tăng cường năng lực đối phó với TBT của các doanh nghiệp này. Lưu ý, Chính phủ Hàn Quốc sau khi đánh giá tác động, chỉ cung cấp tài chính thực hiện dự án cho các SME, mà không cho các doanh nghiệp lớn và cho các chaebol[4] lại càng không, vì cho rằng họ hoàn toàn đủ nguồn lực (nhân lực và tài chính) để đối phó với hàng rào kỹ thuật của nước ngoài.

Điểm cuối cùng cũng nên nhắc đến đó là Việt Nam dễ trong việc thành lập tổ chức nhưng nuôi sống và để nó phục vụ cho mục tiêu chiến lược thì thiếu quan tâm. Nhớ lại phát biểu của đại diện phái đoàn TBT của Hoa Kỳ tại Cuộc họp của Ủy ban TBT năm 2006 của WTO biểu dương Việt Nam thành lập Ban liên ngành TBT và Mạng lưới TBT, cho đây là một ví dụ điển hình của một nước đang đàm phán gia nhập WTO, nhưng đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo để thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định TBT và bảo vệ lợi ích thương mại của mình khi trở thành viên của Tổ chức này. Tuy nhiên, kết quả của sự chuẩn bị chu đáo này là: trong suốt 10 năm là thành viên của Tổ chức này, Việt Nam chưa một lần nêu quan ngại về TBT nào tại diễn đàn này và Việt Nam cũng chưa cử một đoàn làm việc nào để tham vấn với các nước đưa ra biện pháp TBT ảnh hưởng tới thương mại của mình. Điều này thật đáng để các bên liên quan suy nghĩ và hành động./.

                           Lê Quốc Bảo

Nguyên Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam                                    

 


[1] Số liệu của Tiến sỹ Rhyu, Gyung Ihm (từng là chuyên gia TBT thuộc KATS) cung cấp.

[2] Theo Bài trình bày của Ông David S,K Park-Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Tiêu chuẩn, Hiệp hội Điện Điện tử Hàn Quốc (KEA)

[3]Theo các bài trình bày của Tiến sỹ Rhyu, Gyung Ihm và Ông David S.K. Park - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Tiêu chuẩn, Hiệp hội Điện Điện tử Hàn Quốc (KEA) 

[4] Chaebol: các công ty đa quốc gia như Samsung, LG...